Hộ gia đình bán điện mặt trời có bắt buộc đăng ký kinh doanh không?

http://dohalaw.xvnet.vn

Hộ gia đình bán điện mặt trời có bắt buộc đăng ký kinh doanh không?

Hộ gia đình bán điện mặt trời có bắt buộc đăng ký kinh doanh không?

 Hộ gia đình bán điện mặt trời có bắt buộc đăng ký kinh doanh không?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 và Phụ lục IV Luật đầu tư 2020 thì hoạt động bán điện mặt trời thuộc nhóm ngành nghề “Hoạt động phát điện, truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ, tư vấn chuyên ngành điện” thuộc nhóm ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo đó, tại Điều 11 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định vì là ngành nghề đầu tư có điều kiện, nên nhà đầu tư được quyền kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi đáp ứng đủ điều kiện và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh. Nhà đầu tư đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh có quyền được cấp các văn bản theo các hình thức quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 6 Điều 7 của Luật Đầu tư (sau đây gọi chung là giấy phép) hoặc được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh khi đáp ứng điều kiện quy định tại điểm đ khoản 6 Điều 7 của Luật Đầu tư.

Khoản 6 Điều 7 Luật Đầu tư 2020 quy định:

6. Điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo các hình thức sau đây:

a) Giấy phép;

b) Giấy chứng nhận;

c) Chứng chỉ;

d) Văn bản xác nhận, chấp thuận;

đ) Các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

Theo quy định tại Khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực: “Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép để thực hiện một hoặc nhiều lĩnh vực hoạt động điện lực”. Tuy nhiên, có những trường hợp được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 34 Luật Điện lực thì đó là những tổ chức, cá nhân hoạt động phát điện có công suất lắp đặt dưới mức công suất theo quy định của Bộ Công Thương

Tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 21/2020/TT-BCT quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực, trường hợp “Phát điện có công suất lắp đặt đến 01 MW để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác” thì thuộc đối tượng được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

Cũng  tại Khoản 2 Điều 34 Luật Điện lực quy định: “Tổ chức, cá nhân được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực theo quy định tại Khoản 1 Điều này phải tuân thủ các quy trình, quy phạm quản lý vận hành, các quy định về giá điện, điều kiện về kỹ thuật, an toàn của Luật này”. Như vậy, việc kinh doanh điện mặt trời vẫn phải đảm bảo các quy định về kỹ thuật, an toàn, tuy nhiên không cần xin cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với một vài trường hợp theo quy định.

Căn cứ vào các quy định trên, có thể thấy, trong trường hợp các hộ gia đình bán điện mặt trời có công suất lắp đặt đến 01 MW thì thuộc trường hợp được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, được thực hiện tự do kinh doanh. Như vậy, điều kiện kinh doanh theo quy định của luật điện lực đã được đáp ứng, các hộ gia đình được kinh doanh mà không cần thực hiện thủ tục nào khác.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định: "Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương".

Tuy nhiên, với quy định tại Khoản 2 Điều 78 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như trên thì hộ gia đình bán điện mặt trời vẫn phải thực hiện đăng ký hộ cá thể, phụ thuộc một phần vào mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương. Như vậy, cần có sự hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các hộ gia đình cũng như các công ty điện lực.